Yêu nhau để làm gì?

“But isn’t everything we do in life a way to be loved a little more?” – Celine, Before Sunrise

Cách đây không lâu, dư luận biết đến và xôn xao về vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường. Người ta nói về đạo đức nghề nghiệp, về sự dã man của người bác sỹ và nói về người phụ nữ là nạn nhân xấu số. Nhiều người thương, nhưng cũng không ít người trách. Nhất là phụ nữ. Họ trách: “Xấu đẹp cũng thế rồi, trời cho như nào được như thế!” Một số lại suy đoán: “Chắc bà này đi bồ nên già thế mới đi phẫu thuật.” Đến cả phụ nữ cũng không thể thông cảm cho nhau.

Tình cờ tôi được biết một thông tin mà có lẽ không nhiều người biết. Chồng của người phụ nữ xấu số kia ngoại tình đã hơn một năm nay. Chị đã đăng thông tin này lên một diễn đàn để nhờ thầy xem số, giúp gia đình chị hạnh phúc trở lại. Giọng chị rất tha thiết mong thầy giúp. Vậy, chúng ta có quyền suy đoán: Chị đi phẫu thuật với hy vọng mong manh là giữ chân được chồng.

Cách đây chừng hai tháng, tôi đọc một quyển sách mà 7 năm trước cũng xôn xao dư luận không kém vụ Cát Tường. Đó là cuốn tự truyện “Yêu & Sống” của Lê Vân. Trước đây khi thấy mẹ tôi đọc và đứng về phe “lên án” cùng với phần đông báo chí lúc bấy giờ, mặc nhiên tôi cũng đứng về phe ấy và tự nhủ sẽ chẳng bao giờ đọc cuốn sách được cho là “vạch áo cho người xem lưng”, viết bởi “người con bất hiếu” như thế. Thế rồi 7 năm sau, nhu cầu đọc lại “cơn sốt” lúc bấy giờ thôi thúc tôi lục tung tủ sách của mẹ và ngồi đọc một mạch hết hơn 350 trang sách trong chưa đầy một ngày.

Có lẽ đó là cuốn sách tôi đọc nhanh nhất từ trước đến giờ, bởi nhiều lý do. Dù không phải là cuốn hay nhất, nhưng thực sự, nó rất có giá trị. Đặc biệt với phụ nữ, và đặc biệt hơn là với phụ nữ Việt Nam. Tôi quá khâm phục Lê Vân, về cuộc đời, số phận, nhân cách và cả quyết định “vạch áo cho người xem lưng” của chị. Tôi nghĩ phụ nữ Việt Nam nên đọc nó, vì ít nhiều chúng ta đều sẽ tìm được hình ảnh của mình, với những tư tưởng truyền thống có, hiện đại có, một cuốn sách rất Việt Nam nhưng quan trọng hơn, hãy đọc nó để sau này đừng khổ như Lê Vân!

Yêu nhau để làm gì?
Yêu nhau để làm gì

Gần đây tôi có tham gia một lớp học Kinh Dịch. Cô giáo tôi năm nay 74 tuổi, khỏe mạnh, minh mẫn, tinh thông nhiều lĩnh vực, lạc quan, vui vẻ. Cô không lập gia đình nhưng vẫn có “người yêu”, hai cụ yêu thương nhau nhưng cả hai đều không lập gia đình, hàng ngày vẫn gặp gỡ, quan tâm, chăm sóc cho nhau. Cụ bà, tức cô giáo tôi, lúc nào cũng say mê với công việc của mình và truyền cảm hứng cho học sinh tài tình lắm! Năm ngoái, trong chuyến du lịch cùng cả nhà, chúng tôi chung đoàn với một đôi bạn trẻ yêu nhau, lúc nào cũng tíu tít cưng nựng, ôm ấp, hôn hít, nhau trước mặt tất cả mọi người. Chính lúc ấy, ý tưởng về bài viết này đã nảy ra trong đầu tôi. Khi ấy, tôi muốn đặt câu hỏi:

Yêu nhau, để làm gì?

Khi ấy, không khó gì để có câu trả lời. Nếu như theo đôi bạn kia kìa, yêu nhau là để ôm, để hôn trước mặt mọi người và để abcxyz khi chỉ có hai ta. Thì rõ! Yêu nhau làm sao thiếu những liên kết về mặt thể xác như thế được. Khi yêu thì giữa hai người sẽ xảy ra liên kết “chemistry”, khiến cả hai lúc nào cũng muốn dính chặt vào với nhau, và abcxyz được coi là biểu hiện cao nhất của cái chemistry đó. Sách báo, phim ảnh và nói chung là một lượng khổng lồ các thông tin xung quanh chúng ta gián tiếp hoặc trực tiếp nói về chủ đề lúc nào cũng “nóng” ấy: Sex. Thế hóa ra yêu nhau chỉ vì sex? Tình yêu chỉ có vậy thôi sao? Thế hóa ra con người cũng chỉ đến vậy thôi ư?

Chắc chắn là không phải rồi

Khi yêu thì ai cũng muốn mình trở nên đẹp hơn trong mắt người yêu. Thế nên mới có nhu cầu make-up, rồi cao hơn là đi thẩm mỹ viện. Chúng ta muốn đẹp hơn vì muốn được yêu hơn. Tôi luôn có thắc mắc trong đầu là: “Giả sử tôi xinh thêm một tý thì có được yêu nhiều hơn một tý không?” Thậm chí tôi đã từng hỏi câu hỏi ấy. Các bạn đã từng hỏi chưa? Tôi mong bạn hãy hỏi để được biết câu trả lời. Xinh hơn một tý sẽ được ngắm lâu và nhiều hơn một tý. Nhưng yêu hơn một tý thì chưa chắc. Mà chính xác thì câu trả lời là: Không.

Vì thật ra tình yêu đâu phải thứ có thể đo đếm để biết được thế nào là “thêm một tý” hay “ít hơn một tý”. Đối với tôi tình yêu là cả một quá trình. Mà sự phản ánh của tình yêu, đối với tôi, không phải qua cách hai người thể hiện tình cảm với nhau, mà cao hơn cả, là cách nó phản ảnh qua bản thân mỗi người. “Tình yêu đó khiến bạn trở thành người như thế nào?” Mới nên là thước đo chính xác cho tình yêu. “Phía sau một người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ” nhưng theo tôi, đàn ông hay phụ nữ đều cần có một “người đứng sau” như thế. Người ta sẽ luôn đánh giá được “người đứng sau” thông qua “người đứng trước” và ngược lại.

Yêu nhau để làm gì?
Yêu nhau để làm gì hả anh?

Thế nên, một tình yêu chân chính là tình cảm mà nhờ có nó, mỗi người sẽ hoàn thiện mình và hài lòng với những gì họ có. Sẽ không có ai phải đi thẩm mỹ chỉ để giữ chân một người khác. Tôi muốn bạn đọc Lê Vân, để đừng phức tạp hóa chính cuộc đời mình. Phụ nữ sẽ phải đối mặt với nhiều nỗi lo lắm, và nỗi lo “giữ chồng” nếu không kiểm soát được sẽ trở thành một nỗi ám ảnh. Lê Vân khiến cho ba người đàn ông phải ly dị vợ, nhưng mỗi lần như vậy cô ấy phải chịu dằn vặt rất nhiều. Có một nghịch lý là những người vợ thường sợ chồng mình đi với nhân tình, hay mỉa mai hơn, đi với “ca-ve”. Còn những nhân tình đó thì thường khát khao được có một mái ấm yên bình, muốn được làm “vợ”. Một vòng tròn luẩn quẩn. Nếu chúng ta, cả người chồng và người vợ, biết tập trung vào cái mình có thì mọi thứ đã đơn giản hơn.

Mọi việc sẽ đơn giản hơn nếu ngay từ đầu chúng ta chọn được đúng người. Nhưng làm sao biết được người nào là đúng? Tôi không dám chắc người đúng đó sẽ đi cùng bạn suốt cuộc đời, nhưng hãy chọn người mà nếu chẳng may chia tay, cuộc đời bạn vẫn ổn. Tôi rất tâm đắc lời khuyên của John trong Người Thắp Sáng Tâm Hồn (Andy Andrews), ông nói rằng chúng ta có một hệ thống chọn lọc rất hữu ích ở bên, đó chính là gia đình, bạn bè và sở thích của chúng ta. Nhưng chúng ta thường mắc một chút sai lầm khi sử dụng hệ thống đó. Chúng ta chọn người thông qua đánh giá của gia đình, bạn bè.
Nhưng theo ông, chúng ta nên làm ngược lại. Hãy chọn người mà thông qua cách người đó đánh giá gia đình, bạn bè, sở thích của bạn. Họ có yêu quí gia đình và những người bạn của bạn không? Họ có khích lệ bạn theo đuổi sở thích và sát cánh cùng đam mê của bạn không? Nếu câu trả lời là Có, thì gần như bạn có thể yên tâm gắn bó với người ấy. Bởi ngay cả khi họ không còn bên bạn nữa, dù buồn, bạn vẫn giữ được những niềm vui khác bên mình. Hãy chọn người khiến bạn trở nên tích cực. Dù 74 tuổi, hãy cứ lạc quan như cô giáo Kinh Dịch của tôi!

Cuối cùng, tôi nghĩ mình đã có câu trả lời cho thắc mắc của mình. Tình yêu không thể được tính toán bằng những cái ôm, những nụ hôn, những bức ảnh, lượt like hay comment, bằng cái hào nhoáng người ngoài có thể nhìn thấy. Khoảnh khắc là cái đến và đi bất chợt, nên đừng buồn vì những khoảng vô hạn ta không thể ở cạnh nhau, mà hãy hạnh phúc đi đến tận cùng đam mê ở những khoảng hữu hạn ta đang có với nhau. Đơn giản, bình tâm, chân thành. Tôi chỉ muốn làm người bình thường, được ngồi chiêm nghiệm cuộc đời từ một khoảng rất xa, và có một người có đủ thiện tâm ngồi cạnh tôi để sẻ chia những khoảng bình yên tự tại ấy. Một người đứng sau. Một người ngồi cạnh.

Tôi viết bài này tặng cho người ấy!

 

Để lại một bình luận